Lượt xem: 1247

Hộ trồng chanh và những “chua - ngọt” của mùa vụ

“Chưa có đợt thu hoạch chanh năm nào mà giá chanh xuống thấp như vào thời điểm tháng 5 đến tháng 7 âm lịch vừa qua. Giá chanh được thương lái thu mua tại vườn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của hộ trồng chanh. Thậm chí có hộ còn bị thua lỗ do chi phí đầu tư trong tháng cho cây chanh để thu hoạch trái, như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công lao động phụ chăm sóc vườn, thu hoạch trái. Tuy nhiên, hiện tại giá bán chanh đã khởi sắc, hộ trồng chanh bắt đầu hưởng quả ngọt từ việc trồng chanh”. Đó là lời tâm tình của bà con nông dân trồng chanh chuyên canh, mà chúng tôi có dịp gặp gỡ để tìm hiểu về mùa vụ canh tác chanh hàng năm tại hộ.

 


Ông Tăng Văn Vũ, ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bên vườn chanh tàu chùm tím cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Ông Tăng Văn Vũ, ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Vườn chanh của gia đình tôi đã thu hoạch trái được 6 năm qua, giống chanh tôi chọn trồng là chanh tàu chùm bông tím. Giống chanh này có đặc điểm là trái mọc theo chùm, một chùm lên đến 10 - 15 trái, chanh không chỉ sai trái mà còn có trái quanh năm. Trái chanh có màu xanh đậm, vỏ mỏng, ít hạt, mọng nước, có vị chua dịu, thanh mát khi ăn nên được thị trường rất ưa chuộng. Qua thời gian nghiên cứu một số giống chanh, nhận thấy chanh tàu chùm bông tím phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương và chanh có năng suất cao nên tôi mạnh dạn chuyển đổi 0,4 ha đất trồng lúa sang trồng chanh. Cây chanh trồng khoảng 24 tháng đã cho thu hoạch trái và sau đợt thu hoạch trái đầu tiên, thì tiếp theo mỗi tháng đều có chanh thu hoạch.

    “Thời điểm chanh cho trái nhiều nhất trong năm là tháng 4, 5 âm lịch và chanh bán có giá tốt từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 âm lịch năm sau, giá chanh dao động từ 5.000 đồng - 15.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm). Tuy nhiên, trong 3 tháng liên tục (từ tháng 5 - 7 âm lịch) vừa qua, giá chanh giảm sâu ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình tôi. Theo ước tính, với 3 tháng chanh bị sụt giá, tôi lỗ hết 12 triệu đồng, vừa tiền chi phí đầu tư cho vườn chanh luôn xanh tốt, vừa thuê lao động hái bỏ chanh để dưỡng cho cây phát triển tốt. Hiện tại, giá chanh đã tăng cao, nếu so cùng kỳ thời điểm năm trước, giá chanh 5.000 - 6.000 đồng/kg, thì năm nay giá chanh tăng gấp đôi 12.000 đồng/kg. Diện tích trồng chanh 0,4 ha, hằng năm cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với việc tôi canh tác lúa trước đây”, ông Tăng Văn Vũ cho biết thêm.

    Bà Lê Thanh Thúy, ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách chia sẻ: “Gắn bó cùng cây chanh giấy và chanh bông tím được 9 năm qua, tôi nhận thấy cây chanh là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, cây cho trái quanh năm, không cần phải xử lý kỹ thuật kích bông, giữ trái như một số loại cây ăn trái khác nên nhẹ chi phí đầu tư canh tác trong mùa vụ. Diện tích vườn trồng chanh giấy của gia đình tôi trước đây là hơn 9.000m2 được trồng theo hình thức chuyên canh, lúc bấy giờ chanh giấy có giá bán tốt từ 12.000 - 20.000 đồng/kg, đem về nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Sau thời gian thu hoạch trái khoảng 7 năm, thì vườn chanh già cỗi nên tôi đốn bỏ, chuyển sang trồng chuối và tiếp tục xen canh chanh trong vườn chuối.

    Tính đến nay, chanh đã cho thu hoạch trái được 2 năm, sản lượng trái thu về hơn 1 tấn/tháng, trừ chi phí thì thu lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nhờ trồng chanh xen canh trong vườn chuối nên chi phí mùa vụ chanh không đáng kể, do đó thời điểm giá chanh giảm, tôi chỉ bị giảm lợi nhuận bán chanh gần 50%. Còn giờ giá chanh đã tăng trở lại chắc chắn số tiền thu về từ bán chanh sẽ tốt hơn cùng kỳ thời điểm năm trước, vì giá cao hơn gấp đôi. Với diện tích trồng chanh xen canh đem lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng/năm.

    Ông Lê Thanh Chiều, ấp An Trung, xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Tôi đã trồng một số loại cây ăn trái, cây mía và rau màu nhưng theo tôi nếu giá trái chanh tươi ổn định từ 6.000 đồng/kg trở lên, thì người trồng chanh đã có lợi nhuận. Diện tích trồng chanh bông tím của gia đình tôi là 1 ha, chanh trồng theo hình thức chuyên canh. Để có năng suất cao, chất lượng tốt và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tôi chọn cách thức trồng chanh theo quy trình VietGAP, thông qua quy trình canh tác này, cũng giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa, chăm sóc trái với mục đích thu hoạch chanh đạt sản lượng cao nhất, đúng vào thời điểm chanh có giá bán cao nhất trong năm”.

    Cũng theo lời ông Lê Thanh Chiều, với phương thức canh tác chanh nêu trên nên trong các tháng chanh bị rớt giá vừa qua, thu nhập của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ giảm khoảng 10 triệu đồng/3 tháng khi chanh xuống giá. Với 1 ha trồng chanh, chi phí đầu tư cho cả vụ hơn 20 triệu đồng, nhưng lợi nhuận đạt được hơn 200 triệu đồng/năm. Hiện giá chanh đã tăng hơn 20 ngày qua, dự đoán thời gian tới giá chanh tiếp tục tăng cao, vì bước vào thời điểm thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng chanh làm thức uống giải nhiệt tăng cao và các công ty thu mua chanh để đóng hàng xuất khẩu”.

    Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin, tổng diện tích trồng chanh trên địa bàn tỉnh là 2.528 ha, trong đó diện tích chanh không hạt là 1.015 ha, chanh bông tím là 1.441 ha, chanh khác 72 ha. Chanh trồng tập trung tại các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm. Hầu hết chanh được trồng theo hình thức xen canh, cùng các loại cây trồng khác, vì chanh dễ trồng và sức sống mạnh, việc trồng xen canh chanh với các loại cây trồng khác, giúp nhà vườn tăng thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất. Cũng như nhiều loại cây ăn trái khác, để đạt năng suất tốt, khi mua giống chanh bà con nên mua cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; canh tác theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ để giảm chi phí canh tác. Lưu ý bà con trước khi trồng chanh phải xem điều kiện tự nhiên của vùng đất tại địa phương có phù hợp cho sự sinh trưởng của cây chanh mới chọn trồng…

    Chanh là loại quả dùng chế biến các món ăn, hay làm thức uống rất tốt cho sức khỏe con người, nhưng trái chanh của tỉnh Sóc Trăng chủ yếu chỉ bán cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh bạn. Đối với trái chanh chưa có công ty, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, vì vậy việc phát triển trồng chanh ồ ạt là vấn đề bà con nông dân cần nên tránh, nhằm đảm bảo đầu ra cho trái chanh trồng tại hộ.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 53
  • Hôm nay: 130
  • Trong tuần: 70,557
  • Tất cả: 11,802,564